Nguyên lý hoạt động hệ thống thiết bị báo cháy ( Phần V Trung tâm báo cháy thường )
Trung tâm báo cháy thường (Conventional Fire Alarm Control Panel)
Trung tâm báo cháy loại thường sử dụng 1 hoặc nhiều mạch điện kết nối với các thiết bị khởi tạo (đầu báo, nút nhấn) theo kiểu nối dây song song, mỗi mạch điện này được gọi là mạch tín hiệu.
Mạch tín hiệu được nối với hỗn hợp thiết bị khởi tạo trong cùng một khu vực bảo vệ. Tình trạng bình thường, không bình thường hay báo động của khu vực được hiển thị nhìn thấy trên mặt hiển thị (annunciator) của trung tâm báo cháy. Mặt hiển thị có thể là LED hoặc LCD.
Trên mặt hiển thị thường ghi tên khu vực (zone) bảo vệ. Chính vì lý do này mà chúng ta quen gọi một cách thiếu chính xác rằng mạch tín hiệu của trung tâm báo cháy là zone.
Để kiểm soát đường tín hiệu, một thiết bị (thường là điện trở) được lắp ở cuối đường dây tín hiệu, song song với thiết bị xa nhất trên đường tín hiệu, thiết bị này thường gọi là thiết bị cuối đường dây hay là điện trở cuối đường dây. Kiểu nối dây này gọi là kiểu Class B.
Bình thường trên mạch tín hiệu sẽ có một dòng điện đi qua thiết bị cuối đường dây trở về trung tâm báo cháy. Nếu đường dây bị đứt, dòng điện sẽ bị suy giảm và trung tâm sẽ phát tín hiệu báo sự cố của mạch đó.
Để chức năng giám sát có hiệu quả yêu cầu các thiết bị trên đường tín hiệu không được nối dây theo kiểu rẽ nhánh.
Một số trung tâm báo cháy cho phép đấu nối đường tín hiệu theo kiểu mạch vòng (Class A) mà không dùng điện trở cuối đường dây. Phương pháp này rất hiệu quả trong việc gíam sát và duy trì hoạt động của hệ thống khi bị đứt dây, tuy nhiên thường thì khi chọn đấu dây kiểu Class A dung lượng zone của tủ bị giảm đi một nửa.
Trung tâm báo cháy có một hoặc nhiều mạch cảnh báo (đầu ra). Các thiết bị báo động bằng âm thanh hoặc ánh sáng được lắp song song trên mạch cảnh báo. Mạch cảnh báo có thể được lập trình để báo động theo một hoặc một nhóm mạch tín hiệu (zone) hoặc báo động chung.
Một số trung tâm cho phép lắp thiết bị cuối đường dây để kiểm soát mạch cảnh báo theo kiểu Class B hoặc lắp mạch vòng theo kiểu Class A.
Bình thường, có một dòng điện tĩnh cỡ vài mA đi qua mạch tín hiệu và trung tâm không hiển thị bất cứ sự cố hoặc báo động nào.
Khi các thiết bị khởi đầu (đầu báo, hộp báo khẩn cấp) bị kích hoạt (do khói, nhiệt, lửa hoặc tác động bằng tay) sẽ làm cho dòng điện tiêu thụ trên mạch tín hiệu tăng cao vượt qua ngưỡng báo động, trung tâm báo cháy sẽ hiển thị khu vực có báo cháy trên mặt hiển thị đồng thời kêu còi báo động (buzzer) của tủ và kích hoạt mạch cảnh báo cũng như thiết bị ngoại vi theo sự thiết lập từ trước.
Do nhiều thiết bị báo cháy có thể được lắp trên cùng một mạch tín hiệu nên khi có sự cố hoặc báo cháy trung tâm báo cháy chỉ hiển thị tên khu vực mà không cho ta biết chính xác thiết bị nào bị kích hoạt hoặc nơi nào trên mạch tín hiệu có sự cố.
Trung tâm báo cháy cũng cung cấp một số mạch relay dùng điều khiển thiết bị ngoại vi hoặc gửi thông tin tình trạng sự cố hoặc cháy.
Trên mặt tủ cũng có các công tắc chức năng dùng để khôi phục (reset), tắt còi báo động của tủ, tắt mạch cảnh báo, kích hoạt báo động toàn hệ thống…
Nguồn điện chính: Trung tâm báo cháy được cấp một một nguồn điện 120VAC hoặc 220VAC lấy từ lưới điện thương mại, sử dụng một nhánh dây riêng cho hệ thống báo cháy và các thành phần của nó.
Nguồn điện dự phòng: Thành phần này, thông thường là acquy khô chứa bên trong trung tâm báo cháy hoặc nguồn điện khẩn cấp khác bao gồm máy phát điện, được sử dụng để cung cấp điện cho hệ thống hoạt động khi nguồn điện chính bị mất.