Khi xẩy ra cháy cần làm gì
Khi xảy ra cháy, cần bình tĩnh để tìm hướng thoát nạn | ||
Tình trạng thiếu kiến thức ứng phó khi xảy ra cháy, nổ là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm hậu quả trong nhiều vụ cháy. | ||
Xin đăng tải toàn bộ bài phỏng vấn của Thượng tá Nguyễn Văn Họa, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Công an thành phố) trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng về cách ứng phó với các tình huống cháy, nổ. – Để không xảy ra hậu quả đau lòng tương tự vụ cháy tại xưởng may ở xã Tân Dân, huyện An Lão, người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phải làm gì khi cơ sở đó xảy ra cháy? – Khi xảy ra cháy tại một cơ sở sản xuất kinh doanh nói riêng, ở bất cứ địa điểm nào nói chung, việc cần làm đầu tiên là cố gắng dập tắt đám cháy ngay khi nó mới bắt đầu. Nếu không có khả năng dập tắt đám cháy, người ở khu vực cháy phải bình tĩnh quan sát để tìm hướng thoát ra. Việc bình tĩnh quan sát có thể giúp phát hiện ra hướng lan của ngọn lửa để tìm hướng thoát nạn nhanh nhất. Trong vụ cháy tại xưởng may ở xã Tân Dân, ngọn lửa xuất phát từ khu vực cửa, lan dần vào trong xưởng trong khi ở đây không có cửa thoát hiểm nào khác. Khi cháy, nạn nhân lại lùi dần về khu vực trong để cố thủ trong khi càng lui vào trong đám cháy càng lan rộng, nhiệt độ khu vực cháy càng tăng. Trong trường hợp trên, người lao động trong xưởng cần bình tĩnh quan sát, khi thấy phía sau không còn hướng thoát, cần tìm cách lao qua “bức tường lửa” ngay từ khi nó mới cháy. Cách thoát ra là tìm bất cứ vật dụng gì có tiết diện lớn để che chắn. Sẽ rất hữu ích nếu tìm được những mảnh vải lớn, tốt nhất là vải chất liệu cotton (nếu có nước thì nhúng vào) để che chắn cơ thể, chú ý phần đầu, và mặt. Những vật dụng khác như cánh cửa, tấm bìa các-tông cũng là một lựa chọn tốt. Sau khi có vật che chắn, nạn nhân cúi thấp hết mức có thể rồi nhanh chóng lao qua “bức tường lửa”. Sở dĩ phải cúi thấp hết mức vì khi cháy, khói và nhiệt độ cao thường ở bên trên, cúi thấp sẽ giảm nguy cơ hít phải khói độc và độ nóng. – Nếu xảy ra cháy tại các chợ, siêu thị, điểm vui chơi, giải trí…, người gặp nạn cần làm gì? Hiện nay, tại các khu vực tập trung đông người như các siêu thị, điểm vui chơi, giải trí hay các chợ như chợ Tam Bạc, chợ Ga…đều triển khai hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Khi xảy ra cháy tại khu vực tập trung đông người, trước tiên cần bình tĩnh quan sát, phán đoán hướng phát triển của đám cháy. Tiếp đó, cần quan sát ký hiệu thoát nạn. Hiện tại, ký hiệu thoát nạn thường được dùng là bảng điện sáng có hình người chạy và mũi tên chỉ hướng chạy và dòng chữ “Exit”. Qua một số vụ cháy xảy ra trên thế giới và Việt Nam, có một thực tế là nhiều người chết do bị người khác giẫm đạp lên trong quá trình thoát nạn. Do đó, khi xảy ra cháy, mọi người cần khẩn trương rời khỏi hiện trường vụ cháy, tránh tình trạng xô đẩy, giẫm đạp lên nhau. – Khi xảy ra cháy tại nhà dân hoặc chung cư nhiều tầng, làm thế nào để thoát khỏi những đám cháy này? Đối với nhà dân, hiện nay do nhu cầu bảo vệ gia đình khỏi trộm cắp, nhiều nhà dân sử dụng khung sắt rào kín lan can, sân thượng. Mỗi nhà thường chỉ có 1 cửa ra vào, do đó nếu xảy ra cháy tại cửa ra vào hoặc cháy từ tầng 1 ngôi nhà, người bị nạn mất đường thoát. Khi cháy tại nhà dân, người trong nhà cần tính toán hướng thoát nạn, chạy ra phía cửa rồi mới áp dụng các biện pháp chữa cháy. Trong quá trình chữa cháy, nhiều vụ chúng tôi phải sử dụng dụng cụ cắt hàng rào để cứu người. Do đó, trong quá trình lắp hàng rào bảo vệ, các gia đình nên làm 1 ô cửa, có khóa, chìa khóa để ở nơi người trong nhà dễ thấy, bên cạnh đó chuẩn bị thêm 1 dụng cụ như rìu, búa… đề phòng trường hợp không mở được cửa sẽ dùng để phá khóa để thoát ra. Đối với nhà chung cư nhiều tầng, đám cháy thường xuất phát từ 1 phòng nào đó sau đó lan rộng ra. Khi không thể khống chế được đám cháy, mọi người cần nhanh chóng thoát ra rồi đóng kín cửa của phòng đó lại, bịt kín các lỗ thông hơi đề phòng lửa lan sang các phòng khác. Khi lực lượng hỗ trợ đến, cần bình tĩnh kiểm tra mức độ cháy ở bên trong căn phòng đó (có thể bằng cách sờ tay vào cánh cửa), tính toán kỹ phương án trước khi mở cửa. Không vội vàng mở cửa để vào dập lửa tránh trường hợp lửa từ trong phòng ùa ra làm bỏng người hoặc lan sang các phòng khác. Hiện, một số nhà nhiều tầng trang bị các dụng cụ thoát nạn như thang dây, ròng rọc để nếu cháy ở tầng dưới, những người ở tầng trên có thể thoát ra. Tuy nhiên, ở những nơi không có các dụng cụ trên, trong trường hợp khẩn cấp, mọi người có thể dùng các cách như xé ga trải giường, quần áo, buộc thành dây bám vào để thoát xuống dưới. Đối với một số nhà nhiều tầng có sân thượng, người gặp nạn có thể thoát lên đó, chờ lực lượng cứu hỏa đến dập lửa. Trong quá trình kiểm tra một số khu nhà tập thể cũ, chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp người dân cắt hết những bậc thang bằng sắt thoát lên sân thượng. Đây là việc làm cần được ngăn chặn vì cầu thang đó chính là lối thoát nạn khi xảy ra cháy. |